Cảm cúm: Điều trị hiệu quả với cây thuốc quanh ta

ho, hắt hơi, sổ mũi do cảm cúm
ho, hắt hơi, sổ mũi do cảm cúm

Cảm mạo và cúm thường gây ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, chảy nước mắt… bệnh đa số lành tính nhưng gây mệt mỏi, khó chịu cho người bệnh.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Cảm cúm

1. Đại cương

Cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra.
– Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau như enterovirus, coronavirus… đa số do Rhinovirus và có tới hơn 100 chủng khác nhau. Vì vậy, mỗi người có thể bị cảm lạnh nhiều lần trong một năm.
– Cảm lạnh và cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp hơn cả là vào mùa khô lạnh như mùa đông hay cuối đông đầu xuân. Bệnh hay gặp ở các trẻ học mẫu giáo, tiểu học, trẻ sống nơi đông người…

2. Nguyên nhân

– Virus lây từ người này sang người khác qua dịch tiết ở đường hô hấp thông qua các động tác ho, hắt hơi, nói chuyện, đụng chạm, nhất là khi bàn tay dính chất tiết có virus của người bệnh sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt… Cũng có thể do hít phải giọt tiết (nước bọt, nước mũi) của người bệnh có chứa virus lơ lửng ngoài môi trường. Hoặc đụng chạm vào các bề mặt (bàn, đồ chơi, điện thoại, khăn…) có dính dịch tiết của người bệnh sau đó đưa tay lên mũi, miệng, mắt của mình.
Triệu chứng
– Hắt hơi. Chảy nước mũi, ngạt mũi.
– Ngứa hoặc đau họng.
– Ho khan hoặc ho đờm.
– Có thể có sốt, đau nhức mình mẩy hoặc đau đầu. Mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém do ngạt mũi khi nằm.

3. Điều trị

– Hạ sốt.
– Vệ sinh mũi: rửa mũi, xịt vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lí (0.9 %) hoặc bằng nước muối biển sâu.
– Giảm ho, long đờm
– Dùng kháng sinh khi có bội nhiễm

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Cảm cúm

– Bệnh do virus gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và chờ bệnh tự khỏi.

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Cảm cúm

1. Đại cương

– Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng cảm lạnh (cảm mạo phong hàn) được mô tả trong chứng Thương phong, cúm (cảm mạo phong nhiệt) được mô tả trong chứng Thời hành cảm mạo thuộc phạm trù của Ôn bệnh.

2. Nguyên nhân

– Phong hàn, phong nhiệt xâm phạm vào phần da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kèm thêm vệ khí bị chở ngại sinh các chứng ho, sợ lạnh, sợ gió, nhức đầu ngạt mũi…

3. Triệu chứng

– Thể phong hàn: sốt, sợ lạnh, sợ gió, toàn thân đau mỏi, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
– Thể phong nhiệt: sốt nóng, sợ gió, đầu nặng, đau họng, miệng khô, ra mồ hôi, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.

4. Điều trị

– Thể phong hàn: phát tán phong hàn.
– Thể phong nhiệt: phát tán phong nhiệt.

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Cảm cúm

– Đông y điều trị Cảm cúm rất hiệu quả, thường cảm thấy dễ chịu ngay sau khi sử dụng thuốc, thuốc xông… Tuy nhiên với các trường hợp cúm ác tính nên kết hợp với các phương pháp điều trị của Tây y.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Cảm cúm

– Nghỉ ngơi, bổ sung nước: thông qua nước uống trực tiếp, sữa, đồ ăn lỏng như cháo, soup…
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh sử dụng các bài thuốc khác nhau như Ma hoàng thang, Tang cúc ẩm…
– Kinh nghiệm dân gian:
   + Thuốc xông: lá hành, lá tỏi, lá tre, lá duối, lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu,… Mỗi thứ một nắm, rửa sạch, cho vào nồi khoảng 2 – 3 lít nước, đun sôi. Đặc biệt những lá có tinh dầu cho vào sau khi nước đã sôi, đậy kín vung, đun sôi lại, bắc xuống. Khi xông trùm chăn kín cả người bệnh và nồi xông, mở nồi nước xông từ từ cho hơi nóng mùi tinh dầu bốc lên bệnh nhân. Xông từ 10 – 20 phút. Xông xong, lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh. Sau khi xông, ăn bát cháo hành với tía tô (ăn nóng).
   + Bát cháo giải cảm: Gạo tẻ 30g; lá tía tô thái nhỏ 8g; muối 1g; gừng sống 3 lát; hành sống giã nhỏ 3 củ. Gạo nấu thật nhừ rồi cho hành, gừng, lá tía tô và muối vào. Trứng gà 1 quả, đánh vào cháo, khuấy đều, đem ra ăn khi còn nóng. Ăn xong đắp chăn độ 30 phút cho ra mồ hôi, sau đó lau khô và thay áo quần.
   + Siro ho thảo dược: quất chưng đường phèn, mật ong. Chanh đào ngâm mật ong.
– Xoa bóp bấm huyệt: Phong môn, Phong trì, Hợp cốc, Khúc trì, Bách hội, Ấn đường, Thái dương, Nghinh hương…
– Ngâm chân nước ấm trước khi ngủ.

VI. Cách phòng chống Cảm cúm hiệu quả

Hiện chưa có thuốc phòng ngừa cho tất cả các loại Cảm cúm. Nhưng có thể làm chậm sự lây lan của virus cảm cúm bằng các biện pháp:
– Rửa tay sạch thường xuyên là biện pháp hữu hiệu nhất để ngừa bệnh.
– Hắt hơi và ho vào khăn giấy. Hủy khăn giấy đã được sử dụng ngay lập tức và sau đó rửa tay cẩn thận.
– Không dùng chung đồ với với người khác. Thường xuyên cọ rửa sàn nhà, đồ chơi, vệ sinh núm vú giả…
– Không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh: sốt, ho, sổ mũi…
– Uống đủ nước bao gồm: sữa, nước lọc, nước trái cây, cháo, soup
– Trong mùa bệnh hạn chế tới nơi đông người.

VII. Lời khuyên.

Cảm cúm đa số có thể tự khỏi, tuy nhiên vẫn có thẻ khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, thậm chí nhiều trường hợp mắc cúm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cần theo dõi kỹ triệu chứng của bệnh, nếu bệnh chuyển nặng, xuất hiện khó thở đau ngực, ho nhiều… nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

hellosuckhoe.net

 

 

Chia Sẻ