Bong Gân Khớp Cổ Chân: nguyên nhân và điều trị với cây thuốc nam

BONG GÂN KHỚP CỔ CHÂN
BONG GÂN KHỚP CỔ CHÂN

Bong gân khớp cổ chân là một trong những chấn thương rất hay gặp khi cơ thể vận động như đi, đứng, chơi thể thao: tennis, cầu lông, bóng đá, khiêu vũ… Tuy nhiên, trên thực tế thì đa số chúng ta thường xem nhẹ chấn thương này.

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Bong gân khớp cổ chân

1. Đại cương

Bong gân: là tình trạng gân bị kéo giãn do vận động quá mạnh hoặc do chấn thương nhẹ tái phát, có thể gây rách gân. Tổn thương dây chằng mặt ngoài khi lật cổ chân vào trong là thường gặp nhất.

2. Nguyên nhân

Do thực hiện các động tác mạnh, đột ngột: bước hụt, đi giầy cao gót, chống chân khi bị ngã, chơi thể thao… hoặc các vi chấn thương vùng cổ chân tái phát

3. Triệu chứng của bong gân khớp cổ chân

– Đau chói vùng cổ chân ngay sau khi chấn thương, đau tăng khi ấn phía mắt cá ngoài cổ chân.
– Sưng nề, bầm tím
– Đi lại khó khăn, hạn chế vận động khớp cổ chân

4. Điều trị bong gân khớp cổ chân

– Biện pháp tức thời khi có tổn thương là sử dụng phương pháp RICE chữ viết tắt của 4 chữ Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm lạnh), Compression (băng ép) và Elevation (nâng cao chi bị bong gân)
– Thuốc giảm đau, dòng NSAIDs; thuốc chống viêm, giảm phù nề

II. Hạn chế y học hiện đại

Việc lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm có thể gây một số tác dụng phụ như Loét dạ dày tá tràng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Bong gân khớp cổ chân

1. Đại cương:

Bong gân thuộc chứng “Nỉu thương” của YHCT: Nỉu là xoay vặn, thương là bệnh. Cơ khớp bị xoay vặn dẫn đến tổn thương cân cơ, làm khí huyết tắc trở gây đau yếu nặng, huyết trệ gây sưng nóng đỏ

2. Nguyên nhân:

Bất nội ngoại nhân: sang chấn vùng khớp cổ chân dẫn đến khí trệ tại chỗ nên đau, huyết ứ gây sưng nóng đỏ, thấp trệ gây nề.

3. Chẩn đoán:

Sau khi gặp sang chấn (ngã, bước hụt…) xuất hiện đau sưng nề vùng khớp cổ chân, có thể có bầm tím, vận động khớp cổ chân và đi lại khó khăn… lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch phù.

4. Điều trị bong gân khớp cổ chân

Phác đồ điều trị: hành khí, hoạt huyết, thư cân, thông kinh lạc, chỉ thống.

IV. Hạn chế y học cổ truyền về điều trị bong gân khớp cổ chân

Sử dụng thuốc đông y làm triệu chứng thuyên giảm chậm hơn thuốc tây y, thời gian điều trị kéo dài.
Trong giai đoạn cấp, khi có sưng nóng đỏ không nên sử dụng biện pháp chườm nóng, xoa bóp bấm huyệt vì dễ gây sung huyết, tổn thương tăng lên.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Bong gân khớp cổ chân

– Thuốc tây y: giảm đau chống viêm, giảm phù nề
– Thuốc đông y: Bài thuốc tứ vật đào hồng gia giảm
– Sau khi bị bệnh 12 – 24h (giảm sưng nóng đỏ)
    + Xoa bóp bấm huyệt: Giải khê, Khâu khư, Chiếu hải, Thái khê, A thị huyệt. Xoa bóp và vận động nhẹ nhàng vùng khớp bị tổn thương giúp khí huyết lưu thông, tránh cứng khớp.
    + Kéo giãn: kéo từ từ lực vừa phải, bệnh nhân cảm giác dễ chịu.
    + Thuỷ châm: dùng các thuốc giảm đau chống viêm thủy châm vào các huyệt huyền chung, tam âm giao
    + Chườm nóng:
         . Xông hơi cục bộ thuốc vào vùng đau.
         .  Lá náng hơ nóng hoặc vỏ cây gạo giã nát sao với rượu, đắp vào nơi tổn thương.

VI. Cách phòng chống bong gân khớp cổ chân hiệu quả

– Hạn chế các chấn thương trong sinh hoạt và lao động, không nên thường xuyên đi giầy cao gót.
– Khởi động kĩ trước khi chơi thể thao.
– Tập thể dục, thường xuyên vận động khớp để tăng sức bền bỉ và thích nghi với những động tác nhanh…
– Có chế độ ăn uống hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì.

VII. Lời khuyên.

Ngay sau khi bị chấn thương vùng cổ chân, nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị như bôi dầu nóng, cố gắng đi lại… tránh các biến chứng có thể xảy ra như: vận động khớp và sưng nề bao khớp kéo dài, lỏng khớp mạn tính, khớp hoạt động yếu không vững chắc.

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ