Bệnh Goutte: đau sưng khớp ngón chân nguyên nhân và phòng chống

Bệnh Goutte
Bệnh Goutte

Đời sống ngày càng phát triển, bệnh Goutte cũng ngày càng gia tăng do chế độ ăn nhiều thịt, cá, hải sản… bệnh thường gây đau đớn và có thể gây nhiều biến chứng ở khớp, thận…

I. Quan niệm của Y học hiện đại về Bệnh Goutte

1. Đại cương

Bệnh Goutte (gout) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa acid uric, lượng acid uric cao trong máu lắng đọng ở khớp gây nên tình trạng viêm và đau dữ dội tại khớp.
Bệnh thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi từ 30 đến 50, phụ nữ thường phát triển các triệu chứng bệnh gout sau mãn kinh.

2. Nguyên nhân

– Tăng acid uric bẩm sinh: trong bệnh Lesh-Nyhan
– Tăng acid uric nguyên phát: gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric.
– Tăng acid uric thứ phát: do các nguyên nhân
+ Do ăn nhiều thức ăn có hàm lượng purin cao như gan, lòng, thịt, hải sản, cá, nấm, tôm, cua, do uống rượu…
+ Các yếu tố nguy cơ của bệnh là tăng huyết áp, béo phì và hội chứng chuyển hóa, tăng insulin máu và sự đề kháng insulin
+ Suy thận, các bệnh lý làm giảm thải acid uric của cầu thận
+ Các bệnh về máu: bệnh bạch cầu cấp, đa hồng cầu, leuxemi kinh thể tủy
+ Dùng thuốc lợi tiểu như Furosemid, Thiazid, Acetazolamid… Sử dụng các thuốc ức chế tế bào để điều trị các bệnh ác tính; thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid)… Một số thuốc khác như: thuốc chống thải ghép dùng cho những người trải qua cấy ghép nội tạng, levodopa trong trị Parkinson…

3. Triệu chứng

Cơn gout cấp thường xuất hiện tự phát hoặc sau bữa ăn nhiều đạm, gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, chấn thương, … đặc biệt là sau khi uống rượu bia.
– Các dấu hiệu và triệu chứng cơn gout cấp hầu như luôn xảy ra đột ngột, thường vào ban đêm hoặc sáng sớm. Trước đó có thể có cảm giác tê, ngứa, dị cảm hoặc cứng khớp ở ngón chân cái hoặc tại khớp bị viêm như cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu. Hiếm thấy ở khớp háng, vai, cột sống..
+ Khớp sưng to, đỏ, phù, căng bóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, người bệnh cảm thấy bứt rứt và nhạy cảm đến mức ngay cả tấm mền, khăn trải giường cọ xát lên chân cũng gây khó chịu. Lúc đầu chỉ một khớp sau có thể bị nhiều khớp.
+ Cử động khớp bị hạn chế, không thể gập duỗi và cử động các khớp như bình thường.
+ Cơn kéo dài nhiều ngày, thường 5 – 7 ngày rồi các dấu hiệu viêm giảm dần. Hết cơn khớp trở lại hoàn toàn bình thường.
+ Có thể có sốt vừa hoặc nhẹ.
– Gout mãn là hậu quả của tình trạng mất cân bằng mạn tính giữa sự đào thải và sản xuất acid uric dẫn đến sự dư thừa quá mức và lắng đọng các tinh thể urat trong khớp, màng hoạt dịch, gân cơ,… với biểu hiện:
+ Hạt tophi: Thường xuất hiện chậm, hàng chục năm sau cơn gút đầu tiên. Khi đã xuất hiện thì dễ tăng số lượng, khối lượng và có thể loét. Tôphi hay thấy ở sụn vành tai khuỷu tay, ngón chân cái, gót chân, mu bàn chân, gân Achille. Kích thước từ vài milimet đến nhiều centimet, hơi chắc hoặc mềm, không di động do dính vào nền xương bên dưới.
+ Bệnh khớp do urat: Khớp bị cứng, đau khi vận động và làm hạn chế vận động, khớp sưng vừa, không đối xứng, cũng có thể có tôphi kèm theo.
 + Biểu hiện ở thận: Sỏi thận, suy thận.

4. Điều trị

– Thuốc chống viêm:
+ Colchicin
+ Thuốc kháng viêm không steroid
+ Corticoid
– Thuốc giảm acid uric máu
+ Nhóm thuốc ức chế tổng hợp acid uric
+ Nhóm thuốc làm tăng thải acid uric qua nước tiểu.
– Phẫu thuật cắt bỏ hạt tôphi được chỉ định trong trường hợp gút kèm biến chứng loét, bội nhiễm hạt tôphi hoặc hạt tôphi kích thước lớn, ảnh hưởng đến vận động hoặc vì lý do thẩm mỹ

II. Hạn chế y học hiện đại khi điều trị Bệnh Goutte 

Các thuốc Tây y điều trị Gout thường có tác dụng giảm đau nhanh, tuy nhiên phải sử dụng theo hướng dẫn của Y bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc như: Rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan, tắc mật, nôn, buồn nôn, đau đầu, ban đỏ ở da, dị ứng…

III. Quan niệm của Y học cổ truyền về Bệnh Goutte

1. Đại cương

Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng của bệnh Gout được mô tả trong Chứng Thống phong.

2. Nguyên nhân

Do ngoại tà xâm phạm vào cơ thể làm bế tắc kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại các khớp gây sưng, đau, co duỗi vận động khó. Lúc đầu bệnh còn ở bì phu kinh lạc, lâu ngày tà khí vào gân xương, tạng phủ. Khí huyết, tân dịch ứ trệ lâu ngày hóa đàm, đàm uất kết thành u cục quanh khớp, dưới da. Bệnh biểu hiện nhiều năm, đôi khi xuất hiện đợt cấp làm tổn thương can thận, làm biến dạng các khớp

3. Triệu chứng

Y học cổ truyền chia làm 2 thể bệnh:
– Thể phong thấp nhiệt (đợt cấp): đột ngột đau dữ dội một khớp kèm sưng, nóng, đỏ, không dám sờ vào, đau đầu, sốt, khát nước, miệng khô, sợ lạnh, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.
– Thể đàm thấp ứ trệ (mạn tính): Một hoặc nhiều khớp sưng to, đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không nóng đỏ nhưng đau nhiều, biến dạng kèm theo da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, dưới da và vành tai sờ thấy mềm, không đau, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền hoặc khẩn

4. Điều trị

– Thể phong thấp nhiệt: Khu phong, thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết, chỉ thống
– Thể đàm thấp ứ trệ:: Khu phong trừ đàm hóa thấp, thông lạc, chỉ thống

IV. Hạn chế y học cổ truyền khi điều trị Bệnh Goutte

Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều kéo dài, vì vậy khi cơn Gout cấp nên phối hợp thuốc Tây y để làm giảm nhanh triệu chứng bệnh.

V. Phương pháp kết hợp điều trị Bệnh Goutte 

– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh có thể dùng các bài thuốc Ô đầu tế tân thang, Độc hoạt ký sinh thang, Bạch hổ gia quế chi thang gia giảm…
– Thuốc Nam:
+ Lá Sakê 50g sắc uống dưới dạng trà hàng ngày
+ Dùng 5-10g lá lốt khô hoặc 15-30g lá lốt tươi đem sắc với 2 chén nước, cho tới khi nước cô đặc lại còn khoảng nửa chén. Lấy nước này uống sau bữa tối. Dùng liên tục trong 10 ngày.
+ Lấy một nắm lá lốt tươi, một nắm ngải cứu tươi mang đi rửa sạch rồi giã nát. Mang hỗn hợp trên đi chưng với giấm rồi đắp lên vùng khớp đau nhức.
– Châm cứu: huyệt Côn lôn, Khâu khư, Dương lăng tuyền, Tất dương quan, Lương khâu…
– Xoa bóp bấm huyệt: Tùy vị trị bị đau mà lấy những huyệt tương ứng. sử dụng thủ pháp bình, đẩy, bóp, ấn, vê, xoa, lắc, tiến hành từ nhẹ đến mạnh.
– Thuốc Tây y: Colchicin, Celecoxib, Allopurinol…

VI. Cách phòng chống Bệnh Goutte hiệu quả

– Uống nhiều nước 2-4l / ngày.
– Hạn chế bia rượu, thuốc lá, các loại nước ngọt, siro, nước ép trái cây có hàm đường lượng cao.
– Hạn chế ăn thịt gia súc, gia cầm, hải sản một cách vừa phải. Chọn uống các loại sữa ít béo.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C: cam, bưởi, lựu,… rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
– Duy trì mức cân nặng khỏe mạnh
– Tránh căng thẳng thần kinh.
– Điều trị các bệnh làm tăng nguy cơ gây bệnh như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,..

VII. Lời khuyên.

Khi có dấu hiệu của bệnh gout, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng, tránh các biến chứng của bệnh như: Biến dạng khớp, sỏi thận, suy thận…. Việc điều trị cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý:
– Trong giai đoạn khớp đang viêm cấp nên để cho khớp nghỉ ngơi, hạn chế vận động.
– Hạn chế thức ăn chứa nhiều purin như phủ tạng động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm, hải sản, rượu bia.
– Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước khoáng có kiềm.
– Tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu như lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid kéo dài…

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ