Đau cột sống thắt lưng phương pháp phòng bệnh và tự điều trị

Đau cột sống thắt lưng phương pháp phòng bệnh và tự điều trị
Đau cột sống thắt lưng phương pháp phòng bệnh và tự điều trị

Đau cột sống thắt lưng phương pháp phòng bệnh và tự điều trị

I. Quan điểm của Y học hiện đại về Đau cột sống thắt lưng

1. Đại cương

Đau cột sống thắt lưng hay còn gọi là đau lưng vùng thấp (Low back pain) là hội chứng do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông (có thể ở một bên hoặc cả hai bên), đây là một hội chứng xương khớp rất hay gặp nhất.

Khoảng 65-80% những người trưởng thành có đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc từng đợt một vài lần trong cuộc đời và khoảng 10% số này bị chuyển thành đau cột sống thắt lưng mạn tính.

2. Nguyên nhân

Đau cột sống thắt lưng do nguyên nhân cơ học: chiếm 90%.

+ Căng giãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức;

+ Thoái hóa đĩa đệm cột sống;

+ Thoát vị đĩa đệm CSTL;

+ Trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa thắt lưng 5, thắt lưng hóa cùng 1…), loãng xương nguyên phát…

Đau cột sống thắt lưng do một bệnh toàn thân  hay còn gọi là Đau cột sống thắt lưng “triệu chứng”:

+ Các bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương);

+ Tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm đốt sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ);

+ Do ung thư;

+  Do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loét hành tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tuyến tiền liệt…), tổn thương cột sống do chấn thương…

3. Triệu chứng

Đau CSTL do căng dãn dây chằng quá mức

Đau xuất hiện đột ngột sau vận động quá mức như bê vác vật nặng, chơi

thể thao, sau hoạt động sai tư thế ( ngồi lâu, cúi lâu hoặc rung xóc quá mức…), sau cử động đột ngột hoặc ngã chấn thương.

Đau có thể lan toả toàn bộ cột sống thắt lưng hoặc một bên, có thể đau lan về 2 bên hông hoặc xuống phía dưới xương cùng, hoặc về phía mông.

Cảm giác đau nhức buốt hoặc đau chói, đôi khi đau dữ dội, hạn chế vận động cột sống thắt lưng.

Khối cơ cạnh sống lưng thường co cứng, nhìn cột sống có thể lệch vẹo

Các vận động cúi, ngửa, ngiêng hoặc xoay thân đều làm tăng đau, bệnh nhân thường có tư thế chống đau.

Không có dấu hiệu đau lan xuống chân hoặc đại tiểu tiện không tự chủ…

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người già.

Đau thường âm ỉ vùng thắt lưng, tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

Cứng khớp buổi sáng dưới 30p, vận động một lúc thì đỡ.

Đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm

Đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc trên nền đau mạn tính kéo dài và có đợt đau cấp xuất hiện sau gắng sức, nhấc một vật nặng, tư thế đột ngột…

Đau âm ỉ hoặc tê nhức buốt theo đường đi của rễ thần kinh: đau từ vùng thắt lưng lan xuống mông đùi, cẳng chân hoặc bàn chân một hoặc hai bên. Đau tăng khi thay đổi tư thế, khi ho, hắt hơi hoặc rặn khi đại tiện.

Có thể kèm theo rối loạn cảm giác như dị cảm, tê bì, kiến bò, kim châm …

Có thể không đi được bằng gót hoặc mũi chân, teo cơ đùi và cẳng chân nếu đau kéo dài.

Trường hợp nặng có thể rối loạn đại tiểu tiện.

Đau thắt lưng do viêm cột sống dính khớp

Đau vùng cột sống thắt lưng tăng về đêm và sáng sớm, có dấu hiệu cứng khớp, viêm khớp cùng chậu hai bên, có thể kèm theo sưng, đau các khớp chi dưới. Giai đoạn muộn hạn chế cử động cột sống thắt lưng, teo khối cơ chung thắt lưng, giảm độ dẫn lồng ngực.

Đau thắt lưng do trượt đốt sống

Đau CSTL âm ỉ, đau tăng khi phải chịu trọng lực, có biến đổi tư thế và dáng đi, cột sống biến dạng quá ưỡn (lõm).

Đau thắt lưng do hẹp ống sống

Đau thắt lưng hoặc thần kinh tọa nhiều năm, ít đáp ứng với các điều trị thuốc giảm đau hoặc đau kéo dài tăng dần.

Có thể có dấu hiêu “khập khiễng cách hồi rễ thần kinh”: đau thắt lưng và đau các rễ thần kinh tăng khi đi lại, buộc phải nghỉ 1 lúc mới đi tiếp được

Đau thắt lưng triệu chứng

Thường đau kiểu viêm, đau cả khi không vận động.

Đồng thời có biểu hiện các triệu chứng của bệnh là nguyên nhân gây đau như:

+ Sốt, có dấu hiệu nhiễm trùng nếu là do nguyên nhân nhiễm khuẩn.

+ Gầy sút cân, đau ngày càng tăng, không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường gặp trong ung thư.

+ Tiểu buốt, dắt, có máu trong nước tiểu gặp trong bệnh lý sỏi tiết niệu…

+ Đau thắt lưng dữ dội ngày càng tăng kèm theo dấu hiệu sốc (shock), da xanh thiếu máu nên nghi ngờ phình tách động mạch chủ bụng…

Một số các trường hợp có nguyên nhân do tâm lý: dấu hiệu đau thắt lưng xuất hiện sau các stress do áp lực của tâm lý hoặc lao động thể lực quá sức, sau đó chuyển thành đau thắt lưng mạn tính dai dẳng.

4. Điều trị 

Trong điều trị đau thắt lưng do nguyên nhân cơ học, thường sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, và thuốc giãn cơ.

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib

+ Thuốc giảm đau: Paracetamol

+ Các thuốc giãn cơ: tolperisone, eperisone.

+ Trường hợp đau có nguồn gốc thần kinh có thể kết hợp với một trong các thuốc giảm đau sau: Gabapentin, Pregabalin

+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chống lo âu: Amitriptylin

Vật lý trị liệu kết hợp chế độ nghỉ ngơi, tập luyện theo hướng dẫn của Y Bác sĩ.

Điều trị ngoại khoa: khi có thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).

II. Hạn chế của Y học hiện đại khi điều trị Viêm khớp dạng thấp

Thuốc Tây y có thể làm giảm nhanh một số triệu chứng của bệnh, tuy nhiên có thể gây nhiều tác dụng phụ như: gây viêm loét dạ dày tá tràng, ảnh hưởng xấu đến chức năng gan thận…

Quan điểm của Y học cổ truyền về Viêm khớp dạng thấp

Đại cương

Theo Y học cổ truyền, đau lưng thuộc phạm vi chứng Tích thống (đau tại cột sống) hoặc Bối thống (đau dọc hai bên cột sống). Trường hợp đau vùng cột sống thắt lưng được gọi là Yêu thống.

Nguyên nhân

Phong hàn thấp tà hoặc thấp nhiệt tà xâm nhập làm cho kinh mạch bị ứ trệ, khí huyết vận hành không thông sinh chứng Yêu thống (Đau lưng)

Do Thận hư: Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, người có cơ thể suy yếu hoặc do mắc các bệnh lâu ngày

Do huyết ứ: người bệnh bị chấn thương, té ngã, do nâng vật nặng hoặc do tập thể thao… huyết ứ làm cho kinh mạch không thông mà sinh bệnh.

Triệu chứng

Đau lưng cấp do Hàn thấp: đau lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị lạnh, mưa, ẩm thấp, đau nhiều, không cúi được, ho và trở mình cũng đau, thường đau một bên, ấn các cơ sống lưng bên đau co cứng, mạch trầm huyền.

Đau lưng cấp do thay đổi tư thế hay vác nặng, lệch tư thế: Sau khi vác nặng lệch người, hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột nhiên bị đau một bên sống lưng, đau dữ dội ở một chỗ, vận động hạn chế, nhiều khi không cúi, đi lại được, cơ co cứng.

Đau lưng do viêm cột sống: Có sưng, nóng, đỏ, vùng cột sống lưng đau

Đau lưng do tâm căn suy nhược; đau lưng ở người già do cột sống bị thoái hoá

+ Đau lưng do tâm căn suy nhược (Thể can thận hư): Đau lưng, ù tai, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, trí nhớ giảm, miệng khô, mạch tế sác, nam giới có thể bị di tinh, nữ có thể rối loạn kinh nguyệt.

+ Đau lưng ở người già do bị thoái hoá cột sống: Đau lưng nhiều, đau tăng khi trời lạnh, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, kèm các chứng can thận hư: lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều, ù tai, ngủ ít, mạch trầm tế.

Điều trị Đau cột sống thắt lưng

Đau lưng cấp do Hàn thấp: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, ôn kinh hoạt lạc (hành khí, hoạt huyết)

Đau lưng cấp do thay đổi tư thế hay vác nặng, lệch tư thế: hoạt huyết, hành khí (thư cân hoạt lạc)

Đau lưng do viêm cột sống: Khu phong, thanh nhiệt giải độc, hoạt thuyết, lợi niệu, trừ thấp

Đau lưng do tâm căn suy nhược (Thể can thận hư): Bổ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh (nam), điều hoà kinh nguyệt (nữ). Nếu kèm theo thận dương hư thì thêm bổ thận dương.

Đau lưng ở người già do bị thoái hoá cột sống: Khu phong, tán hàn, trừ thấp; bổ can thận..

III. Hạn chế của Y học cổ truyền khi điều trị Đau cột sống thắt lưng

Thuốc Đông y thường tác dụng chậm, thời gian điều trị kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

Các trường hợp điểu trị bằng phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt… người bệnh thường phải đến cơ sở hàng ngày hoặc nằm điều trị nội trú, khá tốn thời gian.

Các phương pháp điều trị kết hợp

Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng

Trong giai đoạn cấp nằm nghỉ tại giường ở tư thế thoải mái nhất, có thể nằm nghiêng hoặc nằm ngửa với khớp háng gấp 45° và một chiếc gối đặt dưới đầu gối làm thư giãn cơ vùng thắt lưng và cơ ụ ngồi.

Vật lý trị liệu: hồng ngoại, quấn nóng paraffin, điện xung, siêu âm, sóng ngắn

Xoa bóp bấm huyệt vùng thắt lưng và chân bị bệnh.

Kéo dãn cột sống: Kéo dãn cột sống có thể thực hiện bằng tay trong giai

đoạn cấp hoặc bằng máy kéo dãn trong giai đoạn bán cấp và mãn tính, áp dụng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút.

Thuỷ trị liệu : thông qua tác dụng của nhiệt, tác dụng đè ép hoặc nâng đỡ của nước, có thể kết hợp với bồn xoáy, tạo sự thư dãn, điều trị các rối loạn do bệnh gây ra và đồng thời giúp cho bệnh nhân dễ dàng thực hiện các bài tập vận động mà bình thường không thể làm được.

Áo, nẹp trợ giúp: giúp giảm đau và hỗ trợ chịu lực cho vùng CSTL. Sử

dụng trong giai đoạn cấp và bán cấp, hoặc sử dụng lâu dài cho bệnh nhân bị trượt đốt sống, nghề nghiệp đặc thù ngồi lâu hoặc thường xuyên mang vác nặng.

Các bài tập vận động McKenzie hoặc Williams. : mục đích để tăng cường sức mạnh cơ vùng bụng và thắt lưng, điều hợp vận động giữa các nhóm cơ vùng thắt lưng, vùng đùi và vùng bụng, giảm tải trọng cho cột sống, tạo sự mềm dẻo, ổn định thân người khi di chuyển, giúp bảo vệ lưng khỏi bị chấn thương và bị kéo dãn.

Tập luyện dáng đi đúng và chỉnh sửa tư thế, động tác sai : các tư thế làm việc gò bó làm mất cân bằng cột sống như quá ưỡn cột sống thắt lưng, quá vặn, quá nghiêng… đều cần được điều chỉnh nhằm tránh tái phát đau cột sống thắt lưng , tránh các vận động bất thường, đột ngột, các động tác thể thao hoặc vận động quá mức. Hạn chế mang vác vật nặng hoặc nếu phải mang vác nặng cần giữ tư thế lưng thẳng và khung chậu nghiêng ra sau.

– Hoạt động trị liệu kết hợp với chương trình tập luyện vận động tăng tiến dần dần giúp nâng cao sức khỏe, tránh hiện tượng gây biến đổi cấu trúc, biến dạng hệ cơ xương khớp sau này.

– Giáo dục tư vấn cho bệnh nhân cách phòng tránh đau tái phát cũng như giúp bảo vệ cột sống tốt hơn. Duy trì lối sống tích cực, năng động, các hoạt động thể lực hợp lý như bơi lội, đi bộ, đạp xe, song không nên tập luyện quá sức, nên tăng dần, thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Giảm cân nếu thừa cân. Cần hướng nghiệp tuỳ theo mức độ tổn thương cột sống thắt lưng hoặc, cần hướng dẫn các biện pháp thích nghi với nghề nghiệp.

Thuốc Đông Y: Tuỳ từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Độc hoạt ký sinh thang gia giảm, Phòng phong thang gia giảm, Ý dĩ nhân thang gia giảm…

Xoa bóp bấm huyệt vùng lưng chân: bằng các thủ thuật, ấn, day, lăn, bóp… Vận động: vừa xoa bóp vừa tập vận động khớp theo các tư thế cơ năng, từng bước, động viên bệnh nhân chịu đựng và tập vận động tăng dần.

Châm cứu: A thị huyệt, thận du, đại trường du, bát liêu, hoàn khiêu, thừa phù, uỷ trung…

Cấy chỉ: A thị huyệt, thận du, đại trường du, bát liêu, hoàn khiêu, thừa phù, uỷ trung…

Thuỷ châm: vitamin 3B…

Chườm nóng: chườm ngải cứu, cứu ngải, xông thuốc…

Dùng thuốc đắp ngoài:

+ Ngải cứu, dây đau xương, lưỡi hổ, giã nát, sao lên với dấm đắp lên vùng đau mỏi.
+ Ngải cứu, râu mèo, gừng: giã nát sao với rượu đắp lên vùng đau mỏi.

IV. Cách phòng bệnh

Chú ý giữ ấm, tránh lạnh, nhất là đối với vùng thắt lưng và chi dưới.

Duy trì lối sống tích cực, năng động, các hoạt động thể lực hợp lý như bơi lội, đi bộ, đạp xe, song không nên tập luyện quá sức, nên tăng dần, thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng.

Khi lao động thể lực hoặc tập luyện cần chú ý khởi động tốt, nhất là khởi động vùng thắt lưng và chi dưới, mức độ vừa phải, tránh quá sức, chú ý tránh các động tác đột ngột.

Làm việc đúng tư thế, đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng, tránh xoắn vặn vùng thắt lưng.

Tập các bài tập vận động McKenzie hoặc Williams: để tăng cường sức mạnh cơ vùng bụng và thắt lưng, điều hợp vận động giữa các nhóm cơ vùng thắt lưng, vùng đùi và vùng bụng, giảm tải trọng cho cột sống, tạo sự mềm dẻo, giúp bảo vệ lưng khỏi bị chấn thương và bị kéo dãn.

Giảm cân nếu thừa cân.

V. Lời khuyên

Khi có dấu hiệu đau mỏi vùng thắt lưng, đau tê cùng mông lan xuống đùi, cẳng chân, bàn chân… bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm.

Khi bị đau cột sống thắt lưng:

+ Nên ăn uống điều độ và nghỉ ngơi từng giai đoạn ngắn liên quan tới các giai đoạn phát triển cấp tính. Nên dử dụng các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa và các chế phẩm sữa ít béo, omega 3… Hạn chế chất béo, phủ tạng động vật, thực phẩm chiên rán, đồ ăn mặn, đồ ngọt…

+ Tập luyện dáng đi đúng và chỉnh sửa tư thế, động tác sai như quá ưỡn cột sống thắt lưng, quá vặn, quá nghiêng…, tránh các vận động bất thường, đột ngột, các động tác thể thao hoặc vận động quá mức.

+ Hạn chế mang vác vật nặng hoặc nếu phải mang vác nặng cần giữ tư thế lưng thẳng và khung chậu nghiêng ra sau.

+ Để điều trị duy trì phòng Đau cột sống thắt lưng tái phát, bạn có thể sử dụng bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang kết hợp các bài tập theo hướng dẫn của các Y bác sĩ.

+ Sử dụng thuốc Tây y theo đúng chỉ định của Y bác sĩ, không nên tự ý đổi thuốc, phối hợp thuốc hoặc tăng giảm liều để hạn chế các tác dụng phụ hoặc tình trạng nhờn thuốc.

hellosuckhoe.net

Chia Sẻ