Chế độ ăn uống giúp phòng và điều trị Sỏi thận

chế độ ăn giúp phòng và điều trị sỏi thận
chế độ ăn giúp phòng và điều trị sỏi thận

Thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có tác động rất lớn đến nồng độ các chất trong nước tiểu. Dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nước tiểu có thể bị cô đặc, gia tăng nồng độ các chất thải, hình thành nên sỏi thận… Vì vậy, việc sử dụng đúng các thực phẩm nên và không nên dùng khi bị Sỏi thận là điều rất cần thiết để phòng và điều trị Sỏi thận.

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo, sỏi lỗ sáo), do sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi ở trong thận.

 

2. Ai có nguy cơ cao bị Sỏi thận?

– Người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi.
– Chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống quá nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, hay phơi nắng, người thừa cân béo phì, nghiện rượu…
– Bệnh nhân phải bất động lâu ngày: chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương…
– Người bị các bệnh gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh
– Tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền).
– Người lao động làm việc trong môi trường lao động nóng, ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.
– Người lao động làm việc tiếp xúc với cadmium và một số chất độc hại khác (công nhân chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin ắc qui…

3. Triệu chứng của bệnh Sỏi thận 

Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm và biểu hiện cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các triệu chứng hay gặp như:
– Đau lưng, đau vùng dưới mạn sườn.
– Đau khi đi tiểu; Tiểu ra máu…

4. Chế độ ăn uống khi bị Sỏi thận

4.1 Thực phẩm nên bổ sung

– Nước giúp làm giảm nồng độ các khoáng chất có trong nước tiểu, đồng thời làm tăng lưu lượng nước tiểu để loại bỏ chất thải ra khỏi đường tiết niệu, nhờ vậy sẽ ngăn ngừa được quá trình kết tinh tạo sỏi.
   + Nên uống là 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả nước lọc, nước hoa quả, nước canh, nước sắc Râu ngô, Kim tiền thảo, Mã đề
– Các loại rau xanh: ớt chuông, súp lơ, bắp cải, bí, bầu, cải xanh, cải xoong, cải cúc, xu hào, súp lơ…… giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất… Lượng rau củ tươi nên ăn mỗi ngày là khoảng 400 gram.
– Các loại trái cây:
   + Cam, Chanh, Quýt, Bưởi… chứa lượng lớn citrat hữu cơ giúp kiềm hóa nước tiểu, nhờ đó sẽ ngăn sỏi thận hình thành.
   + Dưa hấu, Dứa, Táo, Lê… có tác dụng lợi tiểu, ngăn ngừa kết tinh sỏi thận và thanh lọc cơ thể rất tốt.
– Thực phẩm giàu canxi: phô mai, sữa, sữa đậu nành, sữa chua, lòng đỏ trứng, quả hạch, rau xanh đậm, hạt và mật mía đen…
   + Nên bổ sung 1000 – 1200mg canxi mỗi ngày: Uống 3 ly sữa 200ml hoặc ăn 3 hộp sữa chua, không nên sử dụng canxi đơn chất dưới dạng viên uống bổ sung mà chưa có chỉ định của bác sỹ.

4.2 Thực phẩm nên hạn chế

– Muối: nồng độ natri trong muối sẽ làm tăng nồng độ canxi trong nước tiểu, là yếu tố thuận lợi để hình thành sỏi thận.
   + Nên dùng khoảng 1.5 – 2.3 gram mỗi ngày (tương đương 1/2 – 1 thìa cà phê bột canh, 1.5 thìa xì dầu hoặc 1 thìa nước mắm). Lượng muối này bao gồm muối thêm vào các món ăn và muối có sẵn trong thực phẩm.
– Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ đông lạnh chưa nhiều muối như cá biển, thịt hộp, dưa muối, kim chi, lạp sườn…
– Protein động vật: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm, cá… làm tăng lượng acid uric trong nước tiểu, là nguyên liệu để tạo nên sỏi uric khiến sỏi dễ hình thành và phát triển nhanh hơn.
   + Nên ăn thịt cá với lượng 0,8 gram/1 kg thể trọng, ví dụ nếu bạn nặng 50 kg thì chỉ nên ăn khoảng 40 gram thịt hoặc cá mỗi ngày.
   + Nên thay thế nguồn protein từ động vật bằng thực vật: các loại đậu, nấm, ngũ cốc nguyên hạt…
– Đường: làm tăng nồng độ canxi, acid uric, oxalat trong nước tiểu và làm thay đổi chức năng thận, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sỏi thận.
   + Lượng đường mỗi ngày chỉ nên giới hạn từ 1 – 2 thìa cà phê.
   + Tinh bột (cơm, ngũ cốc, bánh mỳ, khoai lang, khoai tây,…) khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa ngay thành đường, do đó bạn chỉ nên dùng khoảng 300 gram tinh bột mỗi ngày.
– Thực phẩm chứa nhiều oxalat: trà đặc, cà phê, sô cô la, bột cám, ngũ cốc, rau muống… gây bão hòa về oxalate dẫn đến tạo sỏi.
– Thực phẩm chứa chất purin: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, đỗ đen, đỗ xanh, phủ tạng động vật… dễ gây tạo sỏi.
– Rượu, bia sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong nước tiểu. Theo khuyến cáo, mỗi ngayfg bạn chỉ nên dùng tối đa 25ml rượu 40 độ, 88ml rượu 12 độ hoặc 220ml bia 4 – 5 độ.
Ngoài việc áp dụng chế độ ăn uống để phòng và điều trị sỏi thận, chúng ta cần kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh đứng ngồi lâu một tư thế, thuờng xuyên tập thể dục nâng cao sức khỏe… 

hellosuckhoe.net

 

Chia Sẻ