10 Dấu hiệu Trầm cảm sau sinh cần lưu ý

Trong đời sống của người phụ nữ, mang thai và sinh con là một giai đoạn đặc biệt, xảy ra nhiều biến đổi cả về sinh lý và tâm lý. Một trong những rối loạn tâm thần thường gặp sau sinh là trầm cảm. Trầm cảm sau sinh (TCSS) thường ít được chú ý chẩn đoán và nếu không được quan tâm và điều trị kịp thời thì nó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến người mẹ và đứa con mới sinh.
I. Quan điểm của Y học hiện đại về Trầm cảm sau sinh
-
Đại cương
– Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm, ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ sau khi sinh và thường kéo dài khoảng 6 tuần. Khởi phát bệnh có khuynh hướng từ từ hoặc có thể dai dẳng hoặc có khi lẫn vào các triệu chứng khác thời sinh đẻ.
– Phân loại Trầm cảm sau sinh:
+ Loại khởi phát sớm giống như “u sầu”, xuất hiện với mức độ nhẹ, ngắn trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau đẻ.
+ Loại khởi phát muộn, xuất hiện sau sinh một vài tuần và kéo dài.
+ Nhóm bệnh rối loạn tâm thần sau sinh:
Trạng thái buồn chán sau sinh
Trầm cảm sau sinh
Loạn thần sau sinh
-
Nguyên nhân
– Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
– Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
– Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
– Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
– Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.
-
Các đối tượng dễ mắc trầm cảm sau sinh ở phụ nữ
– Người mẹ: Bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai. Từng bị trầm cảm sau sinh trước kia. Stress. Thiếu ngủ. Kém dinh dưỡng. Sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy
– Tình trạng khi sinh con
+ Sinh con trong tình trạng ly dị hoặc ly thân
+ Sinh con ở độ tuổi vị thành niên
+ Đẻ khó, đẻ mổ
+ Trẻ chết non hoặc mắc bệnh tật, dị tật.
+ Khó khăn của đứa trẻ (tính khí, ăn, ngủ, tổ chức sinh hoạt)
+ Sinh con so (con đầu lòng) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh con rạ
+ Tách mẹ và con
– Hoàn cánh gia đình:
+ Khó khăn kinh tế, nghề nghiệp không ổn định
+ Không có người hỗ trợ chăm sóc từ người thân, gia đình, bạn bè
+ Tiền sử gia đình có người bị trầm cảm
-
Triệu chứng
– Các triệu chứng có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào đó trong năm đầu sau sinh, bao gồm các triệu chứng thường gặp sau:
+ Hay buồn bã, lo âu, hoảng sợ, cáu gắt với người khác
+ Cảm thấy có tội, không xứng đáng chăm sóc em bé. Sao nhãng trong việc chăm sóc con. Sợ đứa trẻ, sợ mất đứa trẻ.
+ Cảm thấy tuyệt vọng, trống rỗng, yếu ớt hoặc không còn sức lực
+ Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ác mộng…
+ Ăn uống thất thường: chán ăn hoặc ăn quá nhiều
+ Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưu thích trước kia, ít chăm sóc bản thân
+ Ngại giao tiếp với người khác, không muốn nói chuyện.
+ Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục, sợ bị chồng bỏ rơi
– Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ. Trong trường hợp bị nặng, hoang tưởng hoặc ảo giác, có thể có ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sanh.
10 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh (Theo Mayo Clinic-USA)
1. Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ.
2. Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày.
3. Một cảm giác khó thở như bị đè chặt
4. Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an.
5. Thu rút và từ chối các giao tiếp xã hội.
6. Giảm trí nhớ và kém tập trung.
7. Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)
8. Rối loạn giấc ngủ.
9. Chán ăn.
10. Một cảm giác kiệt sức và mất năng lượng.
=> Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng xếp từ 1 đến 5 thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
-
Điều trị
– Phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu trong đó người bệnh tập trung cải thiện mối quan hệ với người khác đặc biệt là với chồng con và những người sống chung như mẹ chồng, mẹ đẻ…
– Điều trị tâm lý được ưu tiên bởi vì khi dùng thuốc người mẹ có thể phải ngưng cho con bú do thuốc xuất hiện trong sữa mẹ, tuy nhiên dùng thuốc vẫn là bắt buộc khi xét thấy lợi ích cao hơn các yếu tố có hại.
+ Tư vấn tâm lý (cả vợ chồng, gia đình mẹ ruột/mẹ chồng nếu có sống chung). Điều quan trọng nhất là người mẹ phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm.
+ Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm.
– Hãy để người mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho con bú. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Nên ăn nhiều trái cây và rau quả… Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu.
II. Hạn chế của Y học hiện đại khi điều trị Trầm cảm sau sinh
– Các thuốc chống trầm cảm có thể làm gia tăng nguy cơ tự sát trong vòng 2 tuần đầu nên với những bà mẹ có ý tưởng tự sát thì cần chú ý quan sát kỹ trong khoảng thời gian 2 tuần khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm.
– Lưu ý nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con thì là 1 cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
III. Quan điểm của Y học cổ truyền về Trầm cảm sau sinh
-
Đại cương
– Các biểu hiện trạng thái tâm lý quá căng thẳng, tinh thần bồn chồn không yên, dễ tức giận, hay hờn khóc, bụng có cảm giác đầy, đau, trong cổ như có vật gì ngăn nghẹn, chóng mặt, mất ngủ… được mô tả trong Chứng Uất của Y học cổ truyền.
– Theo sách ‘Đan Khê Tân Pháp – Lục Uất’ thì có tới 6 loại uất: Khí uất, Huyết uất, Thực uất, Thấp uất và Đờm uất.. Tuy nhiên trong 6 loại này, trước hết do khí uất sau đó thấp, đờm, nhiệt, huyết, thức ăn mới uất lại sinh ra bệnh.
-
Nguyên nhân
– Lo nghĩ quá độ, mong muốn không đạt, uất giận không tháo gỡ được, Can khí uất kết, Mộc không sơ Thổ, Tỳ khí không thăng, đàm thấp chất chứa ở trong, đàm khí uất kết gây các triệu chứng tinh thần uất ức hoặc nói lảm nhảm một mình, nói năng lẫn lộn hoặc cười khóc bất thường, lúc vui, lúc buồn, hoặc như ngơ ngẩn, không thiết ăn uống.
– Giận dữ làm hại Can, Mộc uất hoá hoả, Can hoả thịnh ảnh hưởng đến Tâm Phế, khiến cho Tâm hoả nội động, Phế mất chức năng tuyên giáng mà gây bệnh.
– Can hoả thịnh thì Thận âm bị suy tổn, tinh huyết khô, cân mạch mất sự nuôi dưỡng, gây nên chứng nội phong.
-
Triệu chứng
– Thể Can khí uất kết: Tinh thần uất ức, hay tức giận, thở dài, ngực cảm thấy đầy, khó chịu, hông sườn đầy đau, ợ hơi, kém ăn, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Huyền.
– Thể Khí trệ đờm uất: Trong họng cảm thấy như có vật gì ngăn nghẹn, khạc không ra, nuốt không xuống, ngực đầy tức, sườn đau, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Huyền Hoạt.
– Thể Tâm tỳ hư: Hay lo âu, buồn phiền, sợ hãi, hồi hộp, mệt mỏi, hay quên, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, sắc mặt không nhuận, chất lưỡi nhạt, mạch Tế Nhược.
– Thể Ưu uất thương thần: Hoảng hốt, không yên, hay buồn lo, khóc, có lúc hay ngáp, chất lưỡi nhạt, mạch Tế.
-
Điều trị
– Thể Can khí uất kết: Sơ Can, lý khí, giải uất.
– Thể Khí trệ đờm uất: Hóa đờm, lý khí, giải uất
– Thể Tâm tỳ hư: Kiện Tỳ, dưỡng Tâm, ích khí, bổ huyết
– Thể Ưu uất thương thần: Dưỡng Tâm, an thần
IV. Hạn chế của Y học cổ truyền khi điều trị Trầm cảm sau sinh
– Các phương pháp điều trị của Đông y thường tác dụng chậm. Vì vậy cần lưu ý nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con thì là 1 cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
V. Phương pháp điều trị phối hợp bệnh Trầm cảm sau sinh
– Sự quan tâm, hỗ trợ từ người thân, gia đình, chuyên gia tư vấn giúp cho bệnh nhân không cảm thấy cô độc, luôn được gần gũi, chia sẻ, tin tưởng rằng bản thân sẽ tốt hơn và sớm phục hồi, mọi lo lắng chỉ là tạm thời
– Thuốc Đông y: Tùy từng thể bệnh mà sử dụng các bài thuốc khác nhau như Sài hồ sơ can tán, Bán hạ hậu phác thang, Quy tỳ thang, Cam mạch đại táo thang gia giảm…
– Xoa bóp bấm huyệt toàn thân: giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giảm bớt sự căng thẳng mệt mỏi…
– Khí công, dưỡng sinh: tập các bài luyện ý, luyện thở, luyện hình thể
VI. Cách phòng chống Trầm cảm sau sinh hiệu quả
– Ngay từ khi mang thai
+ Phụ nữ mang thai nên được quan tâm và chăm sóc cả về dinh dưỡng và tinh thần.
+ Tham gia các hoạt động tích cực như đi bộ, vận động nhẹ, nghe nhạc, học một bộ môn nghệ thuật nào đó hoặc gặp gỡ bạn bè, người có kinh nghiệm thai kỳ… để giúp tâm trạng luôn ổn định, vui vẻ.
+ Tham gia các lớp tiền sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cả vợ lẫn chồng trước và sau khi.
+ Với phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc dấu hiệu nên gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống trầm cảm có thể được khuyến nghị phù hợp với phụ nữ mang thai.
– Sau khi sinh
+ Đa số các trường hợp trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở người sinh con đầu lòng nên tập quán của người Việt Nam là “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng” là rất tốt sẽ giúp bà mẹ không rơi vào tâm trạng cô đơn và cảm giác hụt hẫng.
+ Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức, tránh uống rượu.
+ Vận động nhẹ nhàng: đi dạo với bé, tập yoga…
+ Không gây áp lực cho bản thân phải làm tất cả mọi thứ,, không cố gắng để đạt mọi thứ hoàn hảo, chỉ làm những gì bạn có thể.
+ Dành thời gian cho chính mình: Mặc quần áo đẹp, ra khỏi nhà và ghé thăm một người bạn hoặc làm một vài việc vặt. Hãy dành thời gian ở một mình với người bạn đời.
+ Tránh việc tự cô lập bản thân. Bàn bạc với chồng, gia đình và bạn bè của bạn về các cảm xúc của bạn. Hỏi các bà mẹ khác về những trải nghiệm của họ.
+ Cố gắng mở lòng với những người thân và cho họ biết bạn cần sự giúp đỡ. Nếu ai đó nhận trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi, hãy nhận sự giúp đỡ. Bạn có thể ngủ, chợp mắt một chút hoặc bạn có thể xem một bộ phim hay uống cà phê với bạn bè…